Những cung bậc trầm bổng của tiếng tiêu đã làm say đắm biết bao nhiêu bạn trẻ và cả những người chỉ một lần đi dạo qua Hồ Gươm. Và hình ảnh như trong những ngày tháng xưa cũ ấy đã níu chân biết bao du khách nước ngoài về một thủ đô cổ kính và đầy quyến rũ.
Ẩn sĩ tiêu dao
Người nghệ sỹ nghiệp dư ấy là Lê Quang Châu, một nhà giáo già đã về hưu, và cũng là một người con sinh ra, lớn lên trên mảnh đất Hà thành. Sinh trưởng trong một gia đình kinh doanh đồ cổ và các nhạc cụ truyền thống trên phố Hàng Gai, cụ Lê Quang Châu đã sớm có tình yêu đối với âm nhạc. Học piano và tiêu từ năm 9 tuổi, cụ Châu đã thành công khi cải tiến chiếc tiêu mục đồng thành tiêu 8 lỗ, 10 lỗ, và 11. Lí do thúc đẩy cụ Châu cải tiến tiêu chính là những bài ca kháng chiến và dòng nhã nhạc lắt léo, đảo phách nhiều cũng như những nhạc phẩm nổi tiếng của thế giới, tiêu 6 lỗ không thể hiện được.
Ông cho biết “ Dùng tiêu cổ truyền cất lên những khúc "Suối mơ", những "Thiên thai" thấy âm vực không đủ rộng để láy hết cái thần của bài hát. Thế nên mới cải tiến thành tiêu 8 lỗ. Vẫn không đủ. Lại cải tiến tiếp thành tiêu 10 lỗ, cũng mới cận kề tới tiêu hiện đại. Năm 1950, sau bao công tìm tòi, cây tiêu 11 lỗ đầu tiên được tạo ra, là loại tiêu cromatic - tiêu bán cung".
Không có ý định trở thành một nghệ sỹ thực thụ, cụ Châu chỉ coi cây tiêu, cây tiêu như người bạn tri kỉ và mong muốn được thả hồn mình vào những bản nhạc trong một không gian yên tĩnh, để đắm say cùng với đầt trời và thiên nhiên Hà Thành. Không phải tự nhiên mà cuối tuần nào cụ Châu cũng mang tiêu, tiêu đến hồ Gươm và thổi những bản nhạc của ngày xưa như thế. Luyến tiếc và hoài niệm về một Hà Nội xưa, mong muốn giữ gìn một loại nhạc khí có từ lâu đời ở nước ta đã khiến ông dù mùa đông hay mùa hạ, đều đặn sáng thứ 7 hàng tuần, chọn một chỗ ngồi bên cạnh đền Ngọc Sơn thổi lên những Thiên Thai, Suối mơ…
Khi có những bạn trẻ tỏ tình cảm đặc biệt với cây tiêu và tiếng tiêu, cụ Châu đã rất vui. Cụ tâm sự với chúng tôi rằng: “Ngày nay còn ít những bạn trẻ say mê với âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc dân tốc. Có những bạn hâm hộ như thế tôi rất trân trọng”. Và nếu như muốn được học thổi tiêu, cụ cũng không ngần ngại chỉ dẫn các bạn rất tận tình. Tiếng tiêu của cụ Châu không những làm say mê người Việt trẻ mà còn khiến những Việt kiều xa quê một lần ghé Hà Nội không khỏi thổn thức, khiến những du khách nước ngoài ngưỡng mộ và thêm yêu Hà Nội hơn.
Cụ Châu kể cho chúng tôi nghe về một người Việt kiều ở Mỹ đã khóc như đứa trẻ khi nghe tiếng tiêu của cụ. Và một câu chuyện xúc động từ đôi vợ chồng người Pháp. Khi nghe tiếng tiêu của cụ Châu, cảm mến, khi về nước đã gửi cho ông một bức thư với đại ý: Tôi xin gửi tặng tới anh những bức ảnh mà tôi đã chụp và cảm ơn anh vì nụ cười, sự tốt bụng và cả giai điệu đẹp mà anh đã thể hiện trong khu vườn bên bờ hồ, một giai điệu mà tôi thực sự nuối tiếc vì không thể lưu lại được trong trí nhớ của mình. Những tình cảm đó, được cụ Châu lưu giữ và gói ghém cẩn thận. Cụ tin rằng, mình đã giúp Hà Nội ngày nay đẹp hơn trong mắt du khách nước ngoài.
“Hà nội trong tôi – một mảnh tình riêng”
Là một người con của Hà Nội, cụ Châu luôn trăn trở về một Hà Nội xưa cũ với những nét thanh lịch của người Tràng An và những giá trị truyền thống về mặt tinh thần. Nhẩn nha kể chuyện đời mình, Hà Nội của cụ theo đó, cũng hiện ra như một thước phim quay chậm.
Nói về tuổi thơ yên bình, cụ Châu không khỏi hoài niệm về một Hà Nội leng keng tiếng tàu điện, xe đạp. Cụ nói Hà Nội khi ấy chỉ khoảng 10 vạn người, loanh quanh trong mấy phố cổ, đường phố không ùn tắc như bây giờ vì chỉ toàn xe đạp và người đi bộ. Thế nên, người ta sống êm đềm lắm chứ không xô bồ, vội vã như thời nay. Người Tràng An nhã nhặn, thanh lịch từ cung cách ăn mặc đi lại đến lời ăn tiếng nói. Trong ngày Tết, khác với HN nay, xưa kia, các gia đình không đến chúc Tết hàng xóm mà tụ họp tại nhà con trưởng vào ngày đầu năm, “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết vợ, mùng 3 Tết thầy”.
“Vào dịp Tết, người Hà Nội thường tổ chức thi hoa thuỷ tiên” – cụ Châu trầm ngâm kể về một thú vui chơi hoa ngày Tết, nay đã phai nhạt mất. Như bị cuốn vào dòng ký ức đẹp đẽ, ánh mắt cụ sáng lên khi tả cho chúng tôi nghe về những cuộc thi gọt thuỷ tiên. Người ta chỉ chọn củ hoa đơn chứ không phải cả chùm hay ghép bốn, năm củ vào như mấy chậu hoa 200, 300 nghìn như bây giờ. Mỗi bông hoa như cái chén vàng đặt trong bát ngọc hay cốc pha lê sau khi ngâm úp vào chậu. Đã chơi hoa thì phải tỉ mỉ, cẩn thận, chăm lo từng chút một, nhất là đối với loài hoa đẹp và khó chăm như thuỷ tiên. Lá mọc lên phải gọt nhẹ một phía, tạo hình cho chiến uốn vào, chiếc đưa ra, dáng vẻ thật tự nhiên mà trang nhã. Cái khéo là khiến cho hoa nở đều, không mọc chụm lại, đâm vào nhau và nở hàm tiếu đúng vào mùng một Tết. Người thắng cuộc sẽ được tặng 5 hay 10 chậu hoa đẹp nhất kèm theo lòng ngưỡng mộ của các “đối thủ”.
Ngồi nghe chuyện cụ Châu kể, kim đồng hồ như xoay ngược lại đưa ta về một thế giới khác, một Thăng Long rong rêu, êm đềm, bình lặng như trong những thước phim tài liệu chỉ có hai màu đen trắng. Ngày nào rảnh rỗi, cụ Châu thường đến những thắng cảnh Hà thành mong tìm được một khoảng lặng cho riêng mình trong cuộc sống ồn ào tiếng còi xe thay vì tiếng xe điện leng keng như trước. Rồi bên Hồ Gươm, với tiếng tiêu, tiếng tiêu đong đầy hoài niệm, tiếc nhớ, ông cụ lại cất lên những giai điệu xưa cũ đưa tâm hồn người nghe về với một Hà Nội đã phủ bụi thời gian…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét