Dịch

English French German Spain Italian Dutch Russian Portuguese Japanese Korean Arabic Chinese Simplified

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

Chuyến Đi Bụi tại Đaklak

Tây Nguyên bao giờ cũng là vùng đất mà chúng ta khó có thể nào khám phá hết được những đặc trưng của nơi ấy. Từ tiếng cồng chiêng mộc mạc hay tiếng suối róc rách vui tai, hay từ hương vị café đặc trưng cho đến mùi thơm và độ dẻo của một thanh cơm lam. Có đặt chân đến Đaklak, ta mới cảm nhận được hết sự nồng ấm từ tấm lòng hiếu khách của người dân Tây Nguyên nói chung và người dân xứ café Ban Mê nói riêng.
 

Rời thành phố Sài Gòn đông đúc náo nhiệt và hơi oi bức trong những ngày hè, chúng tôi mang ba-lô lên đường viếng thăm thủ phủ café của Việt Nam – thành phố Buôn Ma Thuộc, tỉnh Đaklak. Bài viết sẽ không kể nhiều về những sự tích hay những câu chuyện về địa danh này, mà chỉ là những cảm nhận, trải nghiệm thực tế của chuyến đi phượt trong 3 ngày của chúng tôi.
Vì đây là lần đầu tiên đến Đaklak nên chúng tôi chọn phương tiện di chuyển là xe khách của hãng Mai Linh để yên tâm phần nào về chuyến hành trình của mình. Giá vé xe là 150,000/vé ngồi. Chúng tôi bắt đầu xuất phát từ bến xe lúc 20h, trên hành trình sẽ đi qua các địa phương Bình Dương, Bình Phước, Đak-Nông và sau đó là Đaklak. Vì thời điểm này đường quốc lộ dẫn đến TP Buôn Ma Thuột đang nâng cấp sửa chữa nên đoàn xe chúng tôi đi hơi chậm. Sau một quãng đường dài hơn 300km, đúng 5h sáng chúng tôi đã đặt chân đến trung tâm thành phố, điều này dễ nhận ra bởi hình ảnh chiếc xe tăng nổi tiếng hướng về đường Nguyễn Tất Thành. Sau khi nghỉ ngơi vài tiếng để lấy lại sức khỏe sau chuyến đi dài, chúng tôi bắt đầu dùng xe máy (mượn của 1 người bạn địa phương, hoặc chúng ta có thể thuê) đến thăm làng Café Trung Nguyên.
 



Điều ấn tượng nhất đối với chúng tôi chính là nơi trưng bày máy pha café của rất nhiều nước trên thế giới. Chúng tôi dạo vài vòng và chụp ảnh lưu niệm tại nơi đây với những phong cảnh hết sức trong lành và thân thiện mà chủ nhân nơi đây tạo nên. Do tôi ít uống café nên tôi chọn 1 ly Passiona để thưởng thức, tuy không phải người sành sõi café nhưng tôi cảm nhận được hương vị café gốc của thủ phủ café này. Rất thơm và đậm đà.
Hành trình tiếp theo của chúng tôi ở ngoại ô thành phố, khu du lịch Thác Đray Nu hay thác Trinh Nữ là một thác nước trên dòng sông Serepôk thuộc địa phận xã Dray Sáp, huyện Krông Ana. Tuy thác không lớn lắm nhưng quả thật 2 từ “hùng vĩ” mà người ta hay dùng để miêu tả những dòng thác thật chính xác khi nói về nơi đây.
 




Sau vài giờ chiêm ngưỡng dòng thác và tự nướng thức ăn chúng tôi mang theo, cả nhóm chúng tôi bắt đầu “đi đường rừng” để đến những dòng thác khác của cùng 1 hệ thống thác.
 



Kinh nghiệm cho những bạn lần đầu tiên đi đường rừng dài như thế này chính là hãy mang một đôi giày thể thao, hôm đấy bản thân mình không nghĩ là sẽ đi một quãng đường bộ dài đến thế nên đã mang dép, hậu quả là 2 bàn chân ê ẩm.
 

Dòng thác hùng vĩ hiện ra, thật không thể tin vào mắt mình, quá đẹp
 

Đắm mình trong dòng nước mát trong vắt sau 1 chuyến đi bộ dài quả thật là một cảm giác không thể tuyệt hơn
 

Trở về thành phố, chúng tôi chuẩn bị cho ngày tiếp theo của chuyến hành trình khám phá Tây Nguyên của mình…
Buổi sáng ngồi uống café cóc và tán dóc với những người bạn địa phương
 

Ở đây, có cả hội chạy Vespa cổ, hầu hết là thanh niên thế hệ 8x, đây là 1 chiếc Vespa mình mượn của một người bạn địa phương, cảm giác cưỡi Vespa chạy 1 vòng thành phố thật thích.
 
Sau đó, chúng tôi khởi hành đi Buôn Đôn, đây là địa danh mà ai cũng phải đến mỗi khi ghé thăm Buôn Ma Thuột, ngày xưa nơi đây chính là thủ phủ của tỉnh Đaklak.
Cảm giác được ngồi trên lưng voi và đi dạo quanh buôn thật khó giải thích, vô cùng thích thú và cảm giác được hòa mình cùng thiên nhiên núi rừng hùng vĩ của Buôn Đôn. Với 200,000đ, bạn sẽ được cưỡi trên lưng voi 30phút, vượt qua đường bộ rồi lội bộ 1 nhánh nhỏ của sông Sêrêpok.
 
 

Cậu bé nài Voi 19 tuổi, dân tộc Ê-đê
 

Cảm giác đong đưa khi vượt sông trên lưng chú voi Kul 40 tuổi
 

Sau đó chúng tôi vượt cầu treo để vào nhà hàng dùng cơm lam, đặc sản của vùng đất Tây Nguyên
 

Món gà địa phương nước muối ớt, chấm với muối xả, gà rất mềm lại thơm.
 

Vừa ăn chúng tôi vừa ngắm khung cảnh dòng sông Sêrêpok hiền hòa.
 

Gian nhà rộng, đủ cho hàng trăm người ngồi ăn đặc sản.
 
Tạm biệt Buôn Đôn, chúng tôi mang theo hành trình là những vật lưu niệm như nhẫn lông đuôi voi và những món quà của người dân tộc nơi đây.
 

Trở về trung tâm thành phố, nhóm chúng tôi đến quảng trường trung tâm. Nơi đây người dân Tây Nguyên thường tập trung thả diều và dạo mát, hóng gió, rất thoải mái. Không gian rộng lớn thế này khó có được nếu bạn ở TP HCM.
 

Và tất nhiên không quên chụp ảnh lưu niệm tại chiếc xe tăng nổi tiếng tại nơi đây trước khi về TP HCM.
 
Có phượt vài ngày tại nơi đây, chúng tôi mới hiểu cần thiết của việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và giữ gìn nó như thế nào. Thiên nhiên thật tươi đẹp biết bao nếu như ai trong chúng ta cũng biết trân trọng nó. Tạm biệt Đaklak, thành phố đã để lại trong chúng tôi những kỉ niệm đẹp về sự hiếu khách, khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống nơi đây.
nguồn :cập nhật tin tự động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét