Dịch

English French German Spain Italian Dutch Russian Portuguese Japanese Korean Arabic Chinese Simplified

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2011

Phố Hàng Gà - Phố Cổ Hà Nội

Phố Hàng Gà dài 228 mét, kéo dài từ phố Hàng Cót đến phố Hàng Điếu.
Khi tường thành chưa bị phá, hào chưa lấp, đã có một con đường thông từ khu vực Cửa Bắc xuống chợ Đông Thành, con đường đi sát bên ngoài thôn Tân Khai, nay gồm hai phố Hàng Cót và Hàng Gà. Về tên phố, ban đầu các giấy tờ hành chính đều viết là phố Tân Khai, vì con đường đi qua đất thôn này, nhưng nhân dân lại quen gọi tách riêng đoạn giáp Bát Đàn và Cửa Đông là phố Thuốc Nam, và đoạn bên trên tiếp với Hàng Cót là phố Hàng Gà. Thời thuộc Pháp, Hàng Gà và Thuốc Nam mang tên chung là Rue Tien Tsin (đọc là Thiên Tân, Pháp muốn ghi công thắng lợi ngoại giao của họ đối với Trung Quốc năm 1898). Nay ta đổi lại cũng gọi chung là Hàng Gà, cả phố dài hai trăm ba mươi mét.
Gọi là phố Thuốc Nam vì trong phố có nhiều nhà bán thuốc Nam, tập trung ở quãng từ Nhà Hoả đến Bát Đàn. Cửa hàng bán thuốc Nam cũng sơ sài: gần cửa bày những thúng đựng các vị thuốc sản xuất ở trong nước, có cả một số vị thuốc nhập của Tàu chưa hoà chế. Nhà hàng nhận cân hộ thuốc cho khách hàng ở tỉnh xa về, nhận đơn rồi lên Hàng Buồm hoặc sang phố Phúc Kiến cân giao cho khách lấy hoả hồng. Vì trong phố bán vị thuốc nên có mấy ông lang đông y cũng mở cửa hàng xem mạch bốc thuốc (được tiếng có hiệu Thụ Đức).
Hàng Gà, Du lịch, pho co ha noi, du lich, canh dep, anh dep, pho Hang Ga
Còn tên Hàng Gà là vì ở đoạn phố này có những nhà chuyên buôn bán gia cầm: gà vịt, ngan ngỗn, gà tây, chim bồ câu, họ tập trung ở bên trên chùa Thái Cam tiện lối ra chợ Đông Thành, Cầu Đông. Những nhà bán gà không mở cửa hàng; họ bán hàng ở trong nhà, có những chiếc lồng to nhốt hàng năm sáu chục con gà vịt. Khách quen đến mua tận nhà, và hàng còn đem bán trong các chợ khu Cửa Đông; còn một cách nữa là xách đi bán rong các phố, vào các nhà, vào các tiệm ăn là khách hàng quen. Hồi quân pháp mới sang và đóng ở trong Thành, có nhiều người buôn gà làm ăn khá do cung cấp thực phẩm cho nhà binh khi ấy bị ta chống cự ráo riết, có kẻ giúp chúng được nhiều việc, được chúng cho làm quan.
Phố Hàng Gà ở trên một con đường vốn có từ lâu nên nhà cửa đa số diện tích hẹp, nhà làm kiểu cổ, mái thấp, một tầng hoặc thêm nhiều gác xép. Từ những năm sau 1920, nghề buôn thuốc nam tàn tạ dần, còn nghề buôn gà vịt chủ yếu là đem vào bán trong các chợ; Phố Hàng Gà không còn vẻ là một phố buôn bán. Những người dân trong phố này phần đông là công chức bậc trung và nhân viên sở tư, họ là những người đi ở thuê, chủ nhà đất số đông là những nhà buôn bán lớn ở phố khác.
Xen vào giữa các nhà tư nhân lác đác có một số cửa hàng nhỏ, chồng đi làm, vợ bán hàng xén lặt vặt, hàng nước; vài ba nhà làm nghề đan cót làm trần nhà và đan lồng bán cho người nuôi chim chơi: sáo, hoạ mi, yểng... một hiệu đối trướng, hiệu Giụ Long, số 18, chủ nhân là Phan Đình Giáp, người đầu tiên có sáng kiến cắt chữ dán làm câu đối; nhà hàng này nhận vẽ thêu bán các mặt hàng mỹ nghệ ngà và đồi mồi. Phố Thuốc Nam sau còn sót lại một số gia đình nhà nho cũ sống chật vật sau khi nghề bán thuốc không còn đông khách nữa.
Nguyễn Phan Lãng, một nhà nho tham gia tích cực phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1908, bị thực dân kết án đày ra Côn Đảo; những năm hai mươi, mãn hạn tù về ở phố Thuốc Nam, viết câu đối thuê kiếm ăn; ông có làm bài thơ nói tâm sự một nhà nho thất thế.
Tuy thuộc phố Hàng Gà, nhưng chỗ ngã tư góc đường vào Cổng Tỉnh là nơi buôn bán khách hàng đi lại đông đúc, có những tiệm ăn uống của Pháp, Hoa Kiều và Nhật coi như thuộc về sinh hoạt của phố Cửa Đông.
Hàng Gà ở sát khu quân sự Cửa Đông, chiến sự cuối năm 1946 - đầu 1947 không làm cho nhà cửa trong phố này thiệt hại mấy. Đường phố cổ mà có những ngôi nhà kiểu mới là làm trong thời kỳ tạm chiếm của những nhà buôn làm giàu nhờ đầu cơ tình hình chiến tranh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét