Ngôi làng cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km về hướng đông, từ lâu đã nức tiếng gần xa bởi những công trình kiến trúc cổ, cảnh quan thiên nhiên và phong tục tập quán mang đậm dấu ấn của một làng quê Bắc Bộ.
Không rõ cái tên làng Nôm bắt đầu từ đâu, chỉ biết theo các cụ cao niên, ngày xưa con gái ở làng cứ đến 16 tuổi phải nghỉ học, đi buôn bán nuôi chồng ăn học, đỗ đạt làm quan. Khi lấy chồng, họ phải cung tiến cho làng 20 mâm đồng hoặc làm vài chục mét đường làng bằng gạch đỏ. Bởi vậy, ngày nay trên cổng làng vẫn còn khắc ba chữ “Đồng Cầu Nôm” như một lời nhắn nhủ về lịch sử của làng.
Cổng làng Nôm còn nguyên vẹn dấu xưa |
Ngay trước ba gian chợ bằng gạch đã xỉn màu thời gian là chùa Nôm và một cây gạo khổng lồ. Theo truyền thuyết, xưa kia chùa Nôm được xây giữa rừng thông cổ thụ nên còn có tên hiệu là “Linh Thông cổ tự”. Chùa xây dựng năm 1680, dưới thời Hậu Lê, từng là ngôi đại tự hoành tráng nhất miền Kinh Bắc và hiện còn bảo tồn nguyên vẹn hơn 100 pho tượng cổ.
Bên cạnh tiếng thơm của làng quê có truyền thống văn chương, hiếu học thì trước đây dân làng Nôm còn có nghề buôn đồng nát khắp tứ phương. Chính bởi sự tần tảo, chịu khó giao thương, buôn bán nên kinh tế làng Nôm có phần hưng thịnh, dư dả. Làng hiện còn hơn 10 ngôi nhà cổ với niên đại vài trăm năm. Nổi bật nhất là nhà của cụ Tạ Văn Long làm cách đây gần 200 năm, với toàn bộ phần trụ, cột, hoành đều được làm bằng gỗ còn nguyên vẹn các đường nét chạm trổ tinh xảo. Các công trình kiến trúc bằng gỗ đã chứng tỏ sự phát triển hưng thịnh một thời của làng Nôm.
Theo vòng xoáy của cơn lốc đô thị hóa, làng Nôm nay đã và đang biến đổi từng ngày. Ao làng đã chuyển sắc xanh sậm, chứ không còn màu nước trong veo. Những ngôi nhà cổ đang dần biến mất, nhường chỗ cho những tòa nhà ống, nhà cao tầng. Chùa Nôm chỉ còn lại những hoành phi câu đối quý giá. Duy có cổng làng, cây cầu đá chín nhịp vẫn nguyên vẹn dấu xưa… Số phận của làng cổ duy nhất Hưng Yên vẫn đang chới với, trông đợi vào bàn tay và ý thức của mỗi người dân nơi này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét