Dịch

English French German Spain Italian Dutch Russian Portuguese Japanese Korean Arabic Chinese Simplified

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2011

Phố Hàng Đậu - Phố Cổ Hà Nội

Phố dài 272 mét, đi từ đường Trần Nhật Duật đến phố Phan Đình Phùng.
Hàng Đậu về mặt địa lý hành chính, dưới thời Nguyễn (thế kỷ 19) được coi như đường ranh giới giữa hai khu Cửa Bắc và Cửa Đông. Chỗ đất đó thuộc về hai thôn Phúc Lâm và Nghĩa Lộc đều của huyện Thọ Xương; còn quãng phía bắc giáp với thôn Hoà Giai và Yên Thuận lại theo về huyện Vĩnh Thuận, tổng Yên Thành. Di tích làng cũ có đình Phúc Lâm ở Đường Bờ Sông dưới chân cầu Sông Cái (nay là phố Gầm Cầu), và đình Nghĩa Lập ở số 32 phố Hàng Đậu.
Sở dĩ có tên Hàng Đậu vì nơi đây vốn có nhiều cửa hàng bán các loại đậu hột như đậu xanh, đậu nành, đậu đen... Thời Pháp thuộc gọi là “phố Các Hạt” (rue des Graines), trên phố Hàng Đậu còn có một ngõ Hàng Đậu.
Hàng Đậu còn mấy nơi thờ phụng là đền Thiên Quang (nhà số 12), nhà từ đường họ Phạm (nhà số 40). Một di sản văn hoá đáng được nhắc đến là ngôi nhà số 39 Hàng Đậu (nay là hiệu gỗ Phúc Thịnh), nguyên là ngôi trường học cũ của Lê Đình Diên, tự là Cúc Hiên, một nhà mô phạm nổi tiếng về cuối thế kỷ 19, có nhiều học trò thành đạt. Ban đầu trường học Cúc Hiên chỉ là một ngôi nhà gỗ lợp lá năm gian, sau được học trò chung nhau tiền xây lại bằng gạch lợp ngói để tạ ơn thầy. Khi ông mất, ngôi nhà đó dùng làm nơi thờ ông. Trong nhà thờ có bức hoành: “Quân tử thành mỹ”của Vũ Nhự, Đốc học Hà Nội cung tiến năm 1881. Ngôi nhà ấy vẫn được bảo quản tốt, nhà trong có ba lớp, nhà ngoài là cổng, lối đi vào có bình phong xây bằng gạch.
Hàng Đậu, Du lịch, pho co ha noi, du lich, canh dep, anh dep, pho Hang Dau
Phố Hàng Đậu có một ngõ sâu ở cạnh số nhà 58, ngõ có hình thước thợ thông với phố Hồng Phúc, những năm mười, hai mươi nới đó còn là hồ rau muống và bãi cỏ, rồi là một xóm đông đúc với những ngôi nhà nhỏ đơn sơ. Hàng Đậu còn là đường ranh giới có ý nghĩa kinh tế ở thời thuộc Pháp nữa. Khu Cửa Bắc chỉ có những phường và thôn, vài đường phố có tên là Hàng Bún, Hàng Than, Hàng Đậu, nhưng bún, than hay đậu thì cũng chỉ là sản phẩm nông nghiệp chế biến, ở đây không có cửa hàng mà chỉ có các hàng rong bày bán bên đường; còn từ cầu xe hoả trở xuống phía nam mới chính là khu thủ công nghiệp và buôn bán của khu Cửa Đông, có cửa hàng sản xuất và bày bán sản phẩm riêng của từng phố; khu Cửa Đông này sầm uất từ Hàng Giấy, Hàng Cót, Hàng Chiếu, Hàng Khoai về đến tận Cầu Gỗ phía bắc Hồ Gươm.
Gọi là Hàng Đậu vì ở đường phố đó, những ngày phiên chợ, người nông thôn ngoại thành gánh các thứ đậu tụ tập bán ở hai bên vỉa hè: đậu xanh, đen, trắng, đậu nành... và người trong những ngõ quanh đấy mua về chế biến làm đậu phụ, ngân giá đỗ.
Là đầu mối giao thông từ bờ sông vào đến tường thành nên chỗ đầu phố Hàng Đậu giáp chân đê có một cửa ô, có tên là cửa ô Phúc Lâm, hoặc cửa ô Tiền Trung; nhân dân thì gọi là cửa ô Hàng Đậu. Cửa ô đó đã bị phá khi xây cầu Dốc Gạch nối với cầu sắt sông Cái. Chỗ cuối phố trông ra vườn hoa Hàng Đậu, đầu Hàng Giấy, thành phố đã sớm đặt một bót cảnh sát để giữ dìn an ninh trật tự công cộng cho địa điểm trọng yếu đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét