Phố Lãn Ông trước gọi là phố Phúc Kiến, một phố cũ của Thăng Long xưa. Phố dài 180 mét, đi từ phố Hàng Đường đến phố Thuốc Bắc.
Phố này đầu thế kỷ 20 có tên là phố Phúc Kiến vì đó là khu vực cư ngụ được phép của Hoa kiều gốc tỉnh Phúc Kiến. Họ được tổ chức thành “ bang” và có nhà Hội quán Phúc Kiến ở số nhà 42. Hội quán Phúc Kiến chiếm một khu đất rộng; khi xây nhà Hội quán có xây thêm hai ngôi nhà gác ở hai bên (số 40 và số 44) cho thuê lấy lợi tức cho hội.
Sách Đại Nam thống nhất chí (thế kỷ 19) có chép phố Phúc Kiến bán đồng; sách Chuyến đi chơi Bắc Kỳ của Trương Vĩnh Ký năm 1870 cũng nói đến phố đó bàn đồ đồng, đồ sắt. Đồng bán ở đây là đồng thỏi ngày xưa người Tàu từ mỏ Tụ Long ở biên giới về, đồng còn thấy bán cả ở phố Hàng Ngang; phố Phúc Kiến ở gần chợ Đông Thành có khu thợ thủ công đồng sắt ở phía bên trái Cửa Đông.
Số lượng người Hoa kiều Phúc Kiến ít hơn số người gốc tỉnh Quảng Đông; ở Hà Nội họ phần đông là chủ những hiệu buôn hàng thực phẩm, món hàng cung cấp chủ yếu cho nhà binh trong thành và cho người Âu ở các phố Tây, nên những cửa hàng thực phẩm của người Phúc Kiến phân tán đến các đầu đường phố gần trại lính và khu phố Tây.
Phố Phúc Kiến có một số gia đình người Minh Hương (họ Vương); họ thờ Tổng Thái hậu ở trong nhà Hội quản, còn người Tàu Phúc Kiến dùng nhà Hội quản làm nơi hội họp. Người Việt Nam ở phố này cúng lễ riêng, hoặc theo về đình Đức Môn, hoặc theo về đình Xuân Yên.
Phố Phúc Kiến dài một trăm tám mươi mét, có sáu mươi nhà bên phía bắc dãy số chẵn, bảy mốt nhà bên phía nam dãy số lẻ. Phố này mới được mở mang cho mãi tới năm 1920 chỗ đầu phố giáp Hàng Đường hãy còn vướng một ngôi nhà ra đến nửa lòng đường khiến xe tay xe bò khó qua lại, đó là bức tường của nhà ông lang Hoạch. Chỗ tường đó dán những tờ tuyên truyền của Nhà nước Bảo hộ dân chúng mua quốc trái. Sau bức tường đó được phá bỏ, đường phố rộng thêm.
Những năm 20 đầu thế kỷ nhà trong phố Phúc Kiến hầu hết là một tầng; dần dần lác đác có nhà hai tầng. Nhà làm theo kiến trúc cổ: nhà ngoài dài sáu, bảy mét, rồi đến sân giữa chung quanh che mái, có ao con ở chỗ phố Hàng Sơn. Ngôi nhà đầu tiên xây hai tầng ở phố Phúc Kiến là nhà số 53, trên gác để làm kho chứa thuốc để bán.
Phố Phúc Kiến có một nghề chính là buôn thuốc Bắc. Cửa hàng bán thuốc Bắc có từ sớm. Quang cảnh cửa hàng bán thuốc cũng giống như cửa hàng các phố khác; ban ngày những tấm cửa lùa hạ xuống kê trên mễ và bậu cửa, trên bày những thúng đựng các vị thuốc sống, những thứ quí thì đựng trong túi vải cất trong ngăn tủ gỗ kê sát tường, dưới nền nhà là dao cầu, thuyền tán dùng cho việc bào chế thuốc. Cửa hiệu có bán lẻ thuốc Bắc kèm theo thuốc Nam. Thuốc Nam có vỏ quýt, sa sâm, quế chi, hạt sen, bán hạ.
Những nhà buôn thuốc Bắc ở phố Phúc Kiến thời kỳ đầu là những người ở làng Đa Ngưu (huyện Văn Giang - Hưng Yên), họ Phó. Cũng như ở các phố khác, nghề bán thuốc ở trong tay phụ nữ, con gái đều biết chữ nho, thuộc tên thuộc mặt tất cả các vị thuốc, xem đơn cân thuốc thành thạo. Người làng Đa Ngưu vốn có nghề buôn bán thuốc sống đi rong; họ Phó ra lập nghiệp ở Hà Nội, buổi đầu cũng chỉ mới có dăm ba nhà, cửa hàng nhỏ. Thuốc buôn lại của các cửa hiệu lớn người Tàu bên phố Hàng Buồm, Hàng Bồ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét