hố dài 152 mét, đi từ phố Hàng Đường đến phố Hàng Đào thuộc quận Hoàn Kiếm.
Vốn là đất phường Diên Hưng cũ. Tên gọi Hàng Ngang có nhiều cách giải thích, tên là Hàng Ngang là có thể ở hai đầu phố có ngõ chắn ngang để tiện bảo vệ?
Thời trước năm 1945, phố Hàng Ngang là phố người Quảng Đông (rue des Cantonnais). Từ thời Lê do nhiều người dân Trung Quốc đến làm ăn nên có tên gọi là phố Việt Đông.
Về mặt nhân chủng, phố Hàng Ngang là đường phố có hai bộ phận dân cư là người Việt Nam, người Minh Hương, người Hoa kiều. Thời phong kiến, triều đình Việt Nam - Hậu Lê và Nguyễn - định ra luật cư trú cho người ngoại quốc rất nghiêm. Theo lệ cũ, người Hoa được tổ chức thành “ bang”, tập trung vào mấy nơi ở Hà Nội là Việt Đông (Hàng Ngang) và Hà Khẩu (Hàng Buồm), hết thời hạn phải về Tầu, nếu tình nguyện ở lại phải thay đổi y phục, phong tục theo người Việt Nam. Như vậy người Minh Hương tổ tiên sang ở nước ta lâu đời rồi, con cái đã Việt hoá nhiều. Người Minh Hương mang y phục Việt nam, học trường Việt Nam cũng thi đỗ tú tài cử nhân, cũng có người ra làm quan; họ có quan hệ họ hàng với cả ta và Tàu.
Nhiều họ lớn người Minh Hương ở Hàng Ngang như họ Phan, anh em họ hàng đều là chủ hiệu tơ lụa lớn, như Phan Vạn Thanh, Phan Dụ Thành, Phan Đức Thành. Họ buôn bán tơ lụa, có người lại làm cả mại bản cho mấy công ty nhập cảng vải sợi của Pháp nên càng có thế trong nghề đó. Người Minh Hương ở đây đã đem việc cúng lễ của Tàu pha vào với việc cúng lễ của người Việt Nam, như lập hội dựng đền Tam Thánh thờ Quan Công ở Ngọc Sơn cùng với Trần Hưng Đạo trong đó.
Buôn bán ở Hàng Ngang phải là những nhà giàu lớn. Ngoài họ Phan người Minh Hương, người Việt Nam có Trịnh Phúc Lợi (nhà số 7), Lợi Quyền (nhà số 27) cũng bán tơ lụa. Hàng tơ lụa bán ở phố này đều là thứ xếp loại cao cấp: gấm vóc, đoạn, nhiễu, sa tanh...
Hàng Ngang nổi tiếng có mấy hiệu chè Tàu: Sinh Thái, Chính Thái, Ninh Thái, Song Hỷ. Vào phố này, người ta còn thấy những cửa hiệu cao đơn hoàn tán, họ làm đại lý cho các hãng thuốc Đông Y sản xuất ở Hương Cảng, Thượng Hải, Tân Gia Ba, Chợ Lớn.
Ngoài ra, phố Hàng Ngang có mấy cửa hiệu tạp hoá, họ bán cả đồ sứ Giang Tây và chụp ảnh. Hàng Ngang còn vài cửa hiệu vàng bạc, một số cửa hàng bán đồ thời trang. Phố Hàng Ngang còn vài ba cửa hiệu bán vải của người ấn Độ từ Hàng Đào tràn sang nhưng cũng chỉ ở quanh ngã tư mà thôi.
Nói chung, trước năm 1925, có thể nói rằng phố Hàng Ngang là phố buôn bán của người Tàu tức là Hoa Kiều và Minh Hương. Trong những năm 1927 - 1930 có một số cửa hiệu của người Việt Nam do xảy ra hai ba vụ tẩy chay cửa hiệu người Hoa, phong trào từ cảng Hải Phòng lan đến Hà Nội. Dần dần các cửa hiệu người Hoa thu hẹp dần.
Về mặt xây dựng, phố Hàng Ngang cũng thay đổi nhanh chóng, nhất là trong thời kỳ kinh tế phục hồi sau 1932 và phát triển trong thời kỳ 1935 - 1939. Tình hình nhà cửa phản ánh giá nhà và đất ở một phố buôn bán sầm uất nhất của Hà Nội; giá nhà cho thuê mở cửa hàng cao nhất.
Phố Hàng Ngang có một ngôi nhà được xếp hạng di tích lịch sử cách mạng, đó là ngôi nhà số 48, nhà của Trịnh Phúc Lợi, nơi mà năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến ở và làm việc những ngày sau Cách mạng tháng Tám và đã ra bản “ Tuyên ngôn Độc Lập” tại đây. Chiến sự năm 1946 - 1947 không làm đổ nát nhà cửa ở phố Hàng Ngang vì đây là phố có nhiều Hoa Kiều được quân Pháp tránh không tàn phá.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét