Phố Hàng Thiếc dài 136 mét, đi từ Hàng Bồ đến Hàng Nón. Đây nguyên là đất thôn Yên Nội, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương.
Là một đường phố ở giữa khu phố phường cũ Hà Nội nên còn giữ được một số di tích cũ; đó là đình Đông Thổ (số 2 Hàng Nón) và đình Yên Nội (số nhà 42 Hàng Nón).
Hàng Thiếc là một phố cũ có từ lâu đời, đường phố hẹp nên đã phải sửa, lùi nhà ở một bên mặt đường cho lòng đường rộng thêm. Nhà trong phố đa số là nhà cổ, có những thành dầm lớn bằng lim, gác nhỏ theo kiểu “chồng diêm” có máng hứng nước mưa vào bể chứa trong sân. Nền nhà thấp hễ mưa to là sân trong ngập nước đến mấy ngày mới rút hết vì vậy nhà nào cũng ẩm thấp lắm muỗi. Từ sau 1920 nhà trong phố mới thắp đèn điện và đến 1924 - 1925 trở đi mới có ống nước máy đặt trong nhà, không phải thuê gánh nước máy công cộng. Nhà xây theo kiểu mới đầu tiên là nhà ông lang Vòng (khoảng trước 1930), sau đó dần dần thêm mươi nhà nữa.
Phố Hàng Thiếc là phố của Thợ thủ công chuyên nghề đúc thiếc làm những cây đèn thắp dầu lạc, cây nén, lư hương, ấm pha chè, khay đựng đồ uống chè, bao chè, chóp nón... Họ đa số là người làng Phú Thứ, huyện Hoài Đức Hà Đông. Nghề làm hàng bằng thiếc sau không tồn tại nữa mà đổi sang làm hàng bằng sắt tây. Vì thế mà người Pháp gọi là Rue des Ferblanties (Phố thợ làm hàng sắt tây), mà ta vẫn gọi theo tên cũ là phố Hàng Thiếc.
Nghề làm hàng bằng sắt tây có từ đầu thế kỷ khi mà nhân dân ta bắt đầu quen với việc dùng đèn dầu hoả; những thùng đựng dầu là nguyên liệu cho thợ thủ công phố này. Có những chiếc thùng cứ để nguyên, chỉ đốt ở trong cho hết mùi dầu hoả, rồi đóng đai bán cho người ta dùng để gánh nước.
Sắt tây thùng cũ đó còn dùng để gò chậu giặt, gáo múc nước, v.v... Cứ sắp đến tết trung thu thì Hàng Thiếc lại nhộn nhịp thêm vì nhà nào cũng cắt sắt tây vụn ra làm các thứ đồ chơi cho trẻ em, như ô tô, xe lửa, tàu thuỷ, tàu bay, đèn quả đào có cô tiên, đèn bướm vỗ cánh, thỏ đánh trống, đoàn lính tập...
Ngoài đồ hàng làm bằng sắt tây, ở Hàng Thiếc sau thêm những cửa hàng làm đồ dùng bằng tôn kẽm, cũng là những thứ gia dụng, tôn lại lâu gỉ, bền hơn sắt tây. Thợ làm tôn sắt không càn nhiều vón, nguyên liệu rẻ, kỹ thuật đơn giản, chỉ mất công gò hàn, nên hầu hết các cửa hàng ở đây không phải là những cửa hàng kinh doanh lớn. Các công việc gò hàn làm ngay trong nhà cũng là chỗ tiếp khách, là than hồng đặt ngay trên cửa, suốt ngày trên phố vang tiếng đập thùng căng sắt ồn ào. Hàng làm ra bày bán ở trước cửa và treo quanh tường.
Tuy nhiên thứ hàng gò đồng và tôn đó cũng được cải tiến; hiệu Nam Thái có sáng kiến chế tạo ra những loại đèn kiểu đẹp bằng đồng, bán buôn đi khắp các địa phương trong nước, cạnh tranh được với đèn nhập mạ kền nước ngoài.
Từ sau năm 1931 phố Hàng Thiếc dần dần có thêm một số nhà buôn bán lớn, giàu có không phải về nghề làm tôn và sắt tây, mà do buôn tôn kẽm tấm, buôn kính tấm lớn, kính hoa lắp các cửa những ngôi nhà hiện đại, và có nghề tráng gương, mài kính gương. Hàng Kính và gương mua của Công ty Thuỷ Tinh Viễn Đông ở Hải Phòng, hoặc mua được hàng thẳng tại Hãng Gobelin ở bên Pháp. Nhiều nhà làm giàu nhanh chóng vì mua chịu được hàng của mấy hãng Descous Cabaub - Poinsard Veyret hoặc Denis - Freres, “vốn người lãi ta”.
Từ chỗ bán kính, gương, rồi làm ống máng ống nước sau họ thêm cả buôn bán các thiết bị nhà tắm vệ sinh bằng sứ, bán cho thầu khoán hoặc trực tiếp đưa thợ mang đồ đến làm ở những nhà gọi sửa chữa hoặc làm mới, với những công việc như đặt ống nước, lắp kính cửa, đặt xí máy, lavabô. Vừa thầu việc vừa bán được hàng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét