Phố dài 172 mét, đi từ phố Hàng Mắm đến phố Hàng Dầu.
Phố dài 172 mét, đi từ phố Hàng Mắm đến phố Hàng Dầu.
Thôn Nam Hoa thuộc tổng Hữu Túc là tên cũ đất phố Hàng Bè bây giờ; thôn Nam Hoa sau đổi tên là Nam Phố và tổng Hữu Túc cũng đổi là tổng Đông Thọ. Hàng Bè còn một ngôi đình ở chỗ số nhà 29 gọi là đình Ngũ Hầu thờ Cao Tứ một vị tướng của triều Thục An Dương Vương. Ngũ Hầu là một làng vạn, đình ở ngoài đê, đến khi dòng sông ra xa thì làng chài cũng lênh đênh theo và đình vẫn ở nguyên chỗ cũ.
Hàng Bè là một khúc của con đê cũ, khi dòng chảy còn ở sát chân đê, các bè gỗ nứa lá song mây, những vật liệu làm nhà từ miền ngược trở về áp vào đây bán. Do đó khúc đê này có tên là Hàng Bè, chợ trên đê là chợ Hàng Bè.
Khi bè mảng không vào được sát chân đê nữa vì cát bồi đưa sông ra xa, thì phố này là nơi buôn bán cau, nên cũng có tên là phố Hàng Cau.
Trước kia, hàng năm thuyền mành từ miền trong ra đem hàng như đường Quảng, vây cá, tôm he, cá khô, nước mắm, cau khô của Qui Nhơn, Bình Định; khi về họ chở vào; bát ăn cơm, giấy hàng mã, vải, nồi đồng, mâm thau. Thuyền đinh lớn to mấy gian, bên trong có cả hoành phi câu đối, khám thờ, tủ chè và nuôi cả gà chó. Lái buôn người Việt Nam - và cả lái buôn người Tàu - đem hàng ra từng kiện, chứa trong kho những nhà chứa trọ phố Hàng Bè tất nhiên là sầm uất cho đến khi lòng sông lùi ra xa, một con đê mới đắp ở cách xa đê cũ, nứa gỗ chuyển đến nơi khác, và cau thì vẫn đem bán ở đây. Con đê mới nói trên có đoạn tên là Bè Thượng, khi người Pháp mới đến Hà Nội, họ vẽ bản đồ ghi là Rue de la Digue (phố Trên Đê), tức là con đường Nguyễn Hữu Huân bây giờ.
Đoạn đầu phố Hàng Bè có một thời được gọi là phố Hàng Cau. Những năm thập niên 20 và 30, các cửa hàng bán cau tươi, cau khô ở Hàng Bè chiếm gần nửa tổng số nhà ở phố này. Những nhà buôn to có Phúc Lợi (số 18), Thịnh Phát (số 4). Hàng Bè có bốn năm nhà bán sơn sống Phú Thọ ở gần ngã tư Cầu Gỗ là phố chuyên buôn bán sơn. Ngoài ra trong phố có độ dăm nhà mở cửa hàng bán đồ khô vì ở gần chợ. Hiệu bánh gai Đan Quế (số 24) khai trương năm 1940. Những nhà mở cửa hàng nhỏ bày bán tương cà mắm tép mắm rươi là mãi sau năm 1954 mới có.
Nói chung Hàng Bè thời kỳ xa lòng sông không có nhà nào buôn bán vào loại lớn. Việc buôn bán cau, sơn ở trong tay phụ nữ, đàn ông đi làm. Những nhà không buôn bán, con cái đi làm, ban ngày đóng cửa.
Tuy nhiên phố Hàng Bè cũng có nhà giàu lớn, họ làm giàu về nghề thầu khoán. Như Trương Trọng Vọng, thàu đá kè đê ở các tỉnh; Hàn Tính cũng là thầu khoán, có cổ phần trong một công ty nấu rượu ở Hà Đông.
Đinh cơ Trương Trọng Vọng ở số 42 Hàng Bè, gồm nhiều lớp, bên trong có cả nhà thờ họ (nay là Trường phổ thông cơ sở Bắc Sơn). Nhà xây vào năm 1925 - 1926; chỗ đó trước là một bãi đất trống, làm chỗ tụ họp hàng rong bán rau cỏ tôm cá. Nhà Phúc Lợi số 18 của ông Cả Tụng là một ngôi nhà rộng lòng sâu. Nhà số 10 là nhà của bác sĩ Nguyễn Hữu Thuyết làm vào năm 1938.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét